Tiếp chúng tôi, ông Trần Minh Khải – chủ trang trại, cho biết trang trại được lập cách đây 5 năm, lúc đầu chỉ làm nấm bào ngư, nhưng do thị trường tiêu thụ chậm, giá trị kinh tế không cao nên ông chuyển sang sản xuất nấm linh chi. “Ngoài hai sản phẩm chủ lực là nấm xích chi và hồng chi, vừa rồi tôi sản xuất thành công một loại nấm linh chi mới có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Loại nấm này có tai nấm to, dày, trọng lượng gấp nhiều lần nấm xích chi và thành phần dược tính cao”, ông Khải cho hay.
Nói về cơ duyên đến với nấm linh chi, ông Khải thật thà, vốn là người chẳng biết gì về việc làm nấm, nhưng khi đọc thông tin trên mạng, biết được dược tính và công dụng, ông mê mẩn loại nấm quý hiếm này nên quyết tâm làm. “Tôi muốn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước nhưng trên địa bàn chưa có ai làm và cũng không có người truyền đạt kinh nghiệm. Sau một thời gian mày mò nghiên cứu qua nhiều nguồn khác nhau, tôi quyết định xây hẳn phòng thí nghiệm để thực nghiệm”, ông Khải cho biết.
Theo ông Khải, mô hình trồng nấm linh chi trong vườn cao su có lợi thế tận dụng khoảng trống giữa hai hàng cao su để dựng trại. Trong vườn cây, khí hậu mát mẻ, ít gió và có độ ẩm thích hợp cho việc trồng nấm. Hơn nữa, phôi nấm sau khi hết hạn sử dụng, được xử lý, ủ làm phân vi sinh, bón cho cây cao su cho năng suất rất cao. “Mô hình hai trong một này có thể giúp nông dân có thêm thu nhập. Những người muốn khai thác tối đa hiệu quả vườn cây và vươn lên làm giàu thì đây là một trong những hướng đi rất hiệu quả”, ông Khải chia sẻ.
Ông Khải tính toán, nếu chỉ dựng trại và mua phôi về nuôi trồng thì không mất nhiều thời gian chăm sóc nấm, trong khi khả năng sinh lời cao. Dựng một trại khoảng 100 m², khả năng đặt từ 8.000 đến 10.000 bịch, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 56 triệu đồng. Sau một mùa thu hoạch khoảng 1,4 tạ nấm, giá bán chưa thành phẩm khoảng 400.000 đồng/kg là thu hồi lại vốn, từ mùa thu hoạch thứ hai là có lợi nhuận. Kiểu làm thêm này, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Còn trang trại của ông Khải, do tự làm mọi công đoạn và với quy mô lớn, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 1 tạ nấm thành phẩm, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.
Trích một phần lợi nhuận từ trại nấm chăm lo những người nghèo khó, bất hạnh, mỗi tuần ông Khải hỗ trợ cung cấp từ 500 đến 600 suất ăn miễn phí tại khu vực Thủ Đức. Ngoài ra, trang trại nấm của ông cũng là điểm đến của rất nhiều trường dạy nghề, bà con nông dân trong khu vực đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, điều làm ông Khải hạnh phúc nhất là nhiều người sau khi sử dụng nấm do trại ông sản xuất có tác dụng, bệnh thuyên giảm hoặc khỏi hẳn.
“Vừa rồi, người của tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam đã tới xác minh và công nhận trang trại của tôi đạt danh hiệu kỷ lục. Sắp tới, Hội đồng Kỷ lục Việt Nam sẽ trao bằng công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam cho tôi”, ông Khải thông báo tin vui
http://tapchicaosu.vn/gia-dinh-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/trang-tri-nm-linh-chi-di-tan-cao-su.html